Phụng sự Đổng Xương và tiếp quản Trấn Hải Tiền_Lưu

Trong cuộc nổi dậy của phản tướng Vương Dĩnh vào năm 876-877,[7][8] Tiền Lưu cùng một đồng hương là Đổng Xương gia nhập vào lực lượng dân binh địa phương để chống lại các cuộc tiến công của quân Vương Dĩnh. Sau khi cuộc nổi dậy của Vương Dĩnh bị dập tắt, do có quân công nên Đổng Xương đã được phong là Thạch Kính[chú 2] trấn chỉ huy sứ, do có võ nghệ cao cường nên Tiền Lưu được Đổng Xương trọng dụng. Năm 878, khi thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân Tào Sư Hùng (曹師雄) cướp phá Trấn Hải[chú 3], trong đó có Hàng châu (bao gồm Thạch Kính và Lâm An) và Chiết Đông[chú 4], chính quyền Hàng châu đã mộ 1.000 lính từ mỗi huyện trong châu để chống lại quân cướp bóc. Đổng Xương cùng bảy người khác trở thành đô tướng, đội quân của họ có hiệu là "Hàng châu bát đô", trong đó Đổng Xương là trưởng.[8] Đến khi quân lính của thủ lĩnh khởi nghĩa Hoàng Sào cướp phá Trấn Hải, Tiền Lưu đã đẩy lui đội quân này, chém được vài trăm thủ cấp.[6]

Năm 881, sau khi Hoàng Sào tiến về phía tây bắc và chiếm được kinh thành Trường An, buộc Đường Hy Tông phải chạy đến Thành Đô, Hoài Nam[chú 5] tiết độ sứ Cao Biền mộ quân ở các vùng lân cận và tuyên bố hành quân tái chiếm Trường An. Cao Biền cũng triệu Đổng Xương đến thủ phủ Dương châu của Hoài Nam quân. Tuy nhiên, Tiền Lưu nhận thấy rằng Cao Biền không thực sự có ý muốn tiến công Hoàng Sào, vì thế ông đã khuyên Đổng Xương hãy nói là cần phải trở về trấn thủ Hàng châu. Đổng Xương làm theo lời của Tiền Lưu, kết quả Cao Biền đã chấp thuật để Đổng Xương đi. Trong khi đó, triều đình Đường lại bổ nhiệm Lộ Thẩm Trung (路審中) làm thứ sử mới của Hàng châu. Tuy nhiên, khi Lộ Thẩm Trung đến Gia Hưng, Đổng Xương liền dẫn quân từ Thạch Kính đến Hàng châu để hăm dọa Lộ Thẩm Trung, Lộ Thẩm Trung lo sợ nên không nhậm chức. Sau đó, Đổng Xương xưng là Hàng châu đô áp nha, quản lý sự vụ trong châu, khiển tướng lại thỉnh với Trấn Hải tiết độ sứ Chu Bảo. Chu Bảo tin rằng mình không thể kiểm soát được Đổng Xương nên đã bổ nhiệm Đổng Xương là Hàng châu thứ sử.[9]

Năm 882, Chiết Đông quan sát sứ Lưu Hán Hoành vốn có ý định đoạt lấy Trấn Hải quân nên đã khiển đệ là Lưu Hán Hựu (劉漢宥) và Mã bộ quân đô ngu hậu Tân Ước (辛約) suất binh tiến công Hàng châu. Đổng Xương phái Tiền Lưu đi kháng cự quân Chiết Đông, Tiền Lưu thừa cơ ban đêm mây mù đã vượt sông tập kích doanh trại quân Chiết Đông, Hán Hựu và Tân Ước đều chạy trốn. Lưu Hán Hoành lại phái bảy vạn quân tiến công vào năm 883, Tiền Lưu lại lợi dụng ban đêm mà vượt sông tập kích, đại phá quân Chiết Đông.[10]

Năm 886, khi Đổng Xương và Tiền Lưu đang thảo luận xem phải làm gì với Chiết Đông (nay đổi tên thành Nghĩa Thắng), Đổng Xương nói: "Nếu chúng ta có thể chiếm Việt châu [(越州, thủ phủ Nghĩa Thắng)], ta sẽ nhường Hàng châu cho ngươi." Tiền Lưu đồng ý và đáp lại: "Phải, nếu không chiếm được [Việt châu] thì rốt cuộc sẽ là hậu hoạn." Do đó, Tiền Lưu tập hợp binh sĩ Hàng châu và tiến công Lưu Hán Hoành, liên tiếp giành được thắng lợi. Đến mùa đông năm 886, Tiền Lưu chiếm được Việt châu, Lưu Hán Hoành bị thuộc cấp là Thai châu thứ sứ Đỗ Hùng (杜雄) bắt giữ rồi trao cho Đổng Xương. Đổng Xương xử tử Lưu Hán Hoành và dời trấn đến Việt châu, xưng là Chiết Đông quân phủ sự, cho Tiền Lưu cai quản Hàng châu. Năm 887,Đường Hy Tông bổ nhiệm Đổng Xương là Chiết Đông quan sát sứ, bổ nhiệm Tiền Lưu là Hàng châu thứ sử.[11] Sau đó, Đổng Xương được phong là Nghĩa Thắng quân tiết độ sứ (đổi tên thành Uy Thắng), kiểm hiệu thượng thư hữu bộc xạ.[12]

Năm 887, Tiết Lãng (薛朗) lãnh đạo một cuộc binh biến tại Nhuận châu (潤州)- thủ phủ của Trấn Hải quân, buộc Chu Bảo phải chạy từ Nhuận châu đến Thường châu[chú 6] để nương nhờ thuộc cấp là Thường châu thứ sử Đinh Tòng Thật (丁從實)- trong khi Tiết Lãng nhập phủ và xưng là 'lưu hậu'.[11] Đáp lại, Tiền Lưu phái ba trong số "Hàng châu bát đô" là Đỗ Lăng (杜稜), Nguyễn Kết (阮結), và Thành Cập (成及) đi đánh Tiết Lãng. Tuy nhiên, sau một chiến thắng trước tướng của Tiết Lãng là Lý Quân Vương (李君暀), Đỗ Lăng lại tiến công và chiếm Thường châu, Đinh Tòng Thật phải chạy trốn đến Hoài Nam. Tiền Lưu đã phái người hộ tống Chu Bảo đến Hàng châu, làm lễ nghênh tiếp. Chu Bảo qua đời tại Hàng châu ngay sau đó.[13] (Tân Đường thư ghi rằng Tiền Lưu đã giết chết Chu Bảo,[14] song Tư Mã Quang, chủ biên của Tư trị thông giám, thấy chi tiết này không đáng tin cậy và không chấp nhận nó.[15])

Trong khi đó, Tiền Lưu lệnh cho Nguyễn Kết công chiếm Nhuận châu. Tiết Lãng bị bắt giữ, Tiền Lưu đã cắt quả tim của Tiết Lãng để tế Chu Bảo. Tiền Lưu cũng phái thân thích là Tiền Cầu (錢銶) suất quân tiến công Tô châu[chú 7],[13] Tiền Cầu chiếm được châu này vào mùa xuân năm 888, Tiền Lưu nay kiểm soát hầu hết lãnh thổ Trấn Hải quân. Khi triều đình phái Cấp sự trung Đỗ Nhụ Hưu (杜孺休) đến nhậm chức Tô châu thứ sử, Tiền Lưu tiến hành ám sát Đỗ Nhụ Hưu song bất thành, Đỗ Nhụ Hưu bỏ chạy và Tiền Lưu lại nắm quyền kiểm soát châu này. Tôn Nho chiếm cứ Tô châu trong một thời gian ngắn, Tôn Nho cũng là người tranh giành quyền kiểm soát Hoài Nam sau khi Cao Biền bị giết chết trong một cuộc binh biến, song vào cuối năm 891 thì Tiền Lưu đã tái chiếm Tô châu, liên minh tạm thời với kình địch của Tôn Nho là Dương Hành Mật, cung cấp lương thực cho quân của Dương Hành Mật.[16] Trong khi đó, nhằm xoa dịu Tiền Lưu, Đường Chiêu Tông đã phong tước nam cho Tiền Lưu,[2] và đến năm 892 thì bổ nhiệm Tiền Lưu là Vũ Thắng quân phòng ngự sứ có trị sở tại Hàng châu, rồi Tô Hàng quan sát sứ.[17] và phong tước hầu cho ông.[2] Năm 893, Đường Chiêu Tông chính thức bổ nhiệm Tiền Lưu là Trấn Hải tiết độ sứ với trị sở đặt tại Hàng châu do Nhuận châu và Thường châu đã rơi vào tay Dương Hành Mật từ năm 892. Tiền Lưu huy động 20 vạn dân phu và 13 đô quân sĩ xây dựng La Thành Hàng Châu, chu vi 70 lý. Năm 894, Đường Chiêu Tông ban cho Tiền Lưu chức vụ danh dự là Đồng bình chương sự.[17] Vào mùa xuân năm 895, Đường Chiêu Tông phong tước công cho Tiền Lưu.[2]